Hiểu bản chất của việc mua nhà, tích lũy tài sản
Nếu chúng ta có tài sản tích lũy và nó sinh ra tiền, thì chúng ta đang được hưởng lợi nhờ quá khứ. Thế nên mới có chuyện tuổi trẻ cày bừa thì tuổi già thoải mái, hay ví von “đầu thai” đúng chỗ thì cuộc đời an yên.
Nếu chúng ta không có tích lũy gì cả, có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu nghĩa là đang sống cho hiện tại. Làm nhiều tiêu nhiều, làm ít tiêu ít, không làm không tiêu. Nếu hiện tại làm nhiều tiêu ít thì chúng ta đang chuẩn bị cho tương lai để tích lũy tài sản.
Nếu không có tích luỹ, nhưng muốn có hơn thứ hiện tại thì chúng ta phải tiêu của tương lai, hay là đi vay nợ để cho hiện tại rồi tương lai phải trả.
Nếu hiện tại chúng ta đang có tài sản mà không có nghĩa vụ nợ là vì quá khứ chúng ta hoặc cha mẹ, ông bà đã nỗ lực. Còn hiện tại chúng ta có tài sản và có nghĩa vụ nợ, thì tương lai chúng ta phải nỗ lực. Tất cả đều phải nỗ lực, chỉ là ai nỗ lực và khi nào nỗ lực thôi.
Vậy thì, việc vay ngân hàng hay không vay ngân hàng tùy vào việc chúng ta muốn tích lũy tài sản như thế nào?
Tài sản được hình thành từ 4 cách
Ví dụ: Hàng tháng sau khi trừ chi phí cơ bản thì dư ra được 8,5 triệu đồng, chúng ta có nhiều lựa chọn:
Cách 1: Mua 1 chỉ vàng, 1 năm được 1,2 lượng. 10 năm được 12 lượng. Chúng ta làm từ 22-62 tuổi là 40 năm thì được 48 lượng vàng. Sau khi nghỉ hưu, chúng ta có thể dùng số tiền này đi chơi hoặc dùng chữa bệnh hoặc cho con cháu.
Cách 2: Gửi ngân hàng lấy lãi. Cùng cách tính như trên thì sau 40 năm đi làm sẽ có tiết kiệm khoảng 7,4 tỉ bao gồm lãi.
Cách 3 : Phần tiết kiệm đó giữ lại trong tài khoản, lâu lâu đi du lịch, mua đồ điện tử, hàng hiệu, dự phòng… nếu năm nào hết năm đó, thì sau 40 năm đi làm cũng không còn gì.
Cách 4: Làm được 7-8 năm, có tiết kiệm 700-800 triệu, mua căn nhà tầm gần 2 tỉ, cho thuê được 7 triệu/tháng, kết hợp với 8,5 triệu dư ra mỗi tháng xem như đủ trả cho ngân hàng. Vay ngân hàng tầm 20 năm trả hết cái nhà lại lạm phát tương tự. Sau 40 năm đi làm thì còn lại 2 căn nhà.
Dùng cách nào là tùy lựa chọn của mỗi người.
Cách 1,2 và 4 là cách để tích trữ tài sản. Khi đã tích trữ tài sản thì bằng cách này hay cách khác đều phải thắt lưng buộc bụng, cho dù là mua vàng, gửi ngân hàng hay mua nhà, có vay hay không vay thì kết quả cuối cùng đều như nhau cả.
Chỉ khác là 40 năm chúng ta muốn có 48 lượng vàng, 7,4 tỉ hay 2 căn nhà. Trong quá trình đó có bất trắc, chúng ta có thể bán vàng, rút tiền tiết kiệm hoặc bán nhà để xử lý. Về bản chất là như nhau khi bán tài sản để xử lý. Cách thức khác nhau là tùy vào tính thanh khoản của mỗi phương án.
Với cách 3 là sẽ thoải mái ở hiện tại nhưng bù lại về già sẽ không có gì khác cả. Nếu có bất trắc xảy ra cũng không có cái gì để xử lý.
Chúng ta đừng đặt nặng vấn đề phải mua nhà. Trường hợp, chúng ta nghĩ nhà đất sẽ tăng giá nhanh và phải sở hữu bây giờ cho kịp thì vay mua. Nếu có chuyện thì bán, tiền lời từ việc bán cũng đủ trả lãi, thậm chí còn dư. Còn ngược lại, chúng ta nghĩ nhà không tăng giá thì dùng tiền gửi ngân hàng hoặc mua vàng, khi nào thích mua nhà thì mua.
Ngoài ra, chúng ta thay vì tìm giải pháp để giảm giá bất động sản thì tìm cách tăng thu nhập, điều này khả thi và hợp lý hơn.