Trong loạt tài sản, bất động sản bà Trương Mỹ Lan kê khai và cho biết có thể dùng khắc phục hậu quả, ngoài siêu dự án Amigo tại khu “tứ giác vàng” Nguyễn Huệ, còn có dự án “kim cương” nằm sát chợ Bến Thành, Quận 1 – TP.HCM, nhưng số phận long đong suốt từ 2013 đến nay.
Siêu dự án giá trị hơn 100.000 tỷ đồng
Tại phiên tòa chiều 1/10, bà Trương Mỹ Lan tiếp tục đề nghị dùng các tài sản bị thu giữ trong vụ án liên quan của bà và các công ty con thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, để khắc phục hậu quả vụ án.
Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX) về dự án Khu phức hợp tứ giác Bến Thành của Tập đoàn Bitexco đang trong giai đoạn chuyển nhượng cho bà Lan thì bà bị bắt, bà Lan tiết lộ giá trị của dự án hiện nay là hơn 100.000 tỷ đồng. Dự án này là khu phức hợp rộng 8.600 m2 tại khu tứ giác Bến Thành, đối diện chợ Bến Thành, Quận 1, có vị trí cực đắc địa tại trung tâm TP.HCM, với 4 mặt tiền đường Phạm Ngũ Lão – Calmette – Lê Thị Hồng Gấm – Phó Đức Chính.
Bà cho biết trước khi bị bắt, mình và Chủ tịch Tập đoàn Bitexco có thỏa thuận miệng về việc bà sẽ tìm đối tác chuyển nhượng dự án với giá 22.000 tỷ đồng. Trong đó, bà đã nhiều lần chuyển cho Bitexco số tiền 7.000 tỷ đồng. Tổng cộng bà và bạn đã chuyển cho phía Bitexco gần 16.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Trương Mỹ Lan cho biết thêm bà có nói với Chủ tịch Bitexco sau này nếu bán dự án cho ai thì bà xin lại 7.000 tỷ đồng và 30% giá trị của 7.000 tỷ đồng. Bây giờ đơn vị nào tiếp nhận dự án trên thì phải thanh toán tiền cho bà, và bà sẽ dành để khắc phục hậu quả vụ án.
Đại diện Bitexco cũng thừa nhận đã nhận 15.712 tỷ đồng từ bà Trương Mỹ Lan để thực hiện dự án Khu tứ giác Bến Thành, số tiền này hiện đã hòa nhập vào hoạt động của tập đoàn.
Liên quan đến dự án này, cuối tháng 9 vừa qua, Bitexco ra thông báo chuyển nhượng 100% vốn góp tại Saigon Glory, chủ đầu tư Khu tứ giác Bến Thành cho đơn vị mới.
Khu tứ giác Bến Thành dù có vị trí đắc địa khi nằm đối diện chợ Bến Thành, với 4 mặt tiền đường trung tâm Quận 1, được mệnh danh “Tứ giác kim cương”, nhưng hơn 10 năm qua vẫn mãi là khối bê tông nằm trơ trọi với nhiều lần thay tên đổi họ.
Dự án “tứ giác kim cương” liên tục thay tên rồi đắp chiếu
Từ 2010, sau khi tháp tài chính Bitexco 68 tầng vận hành, Tập đoàn Bitexco đưa ra ý tưởng phát triển công trình tiếp theo mang tính biểu tượng, trở thành điểm nhấn kiến trúc mới của TP.HCM.
Năm 2013, Bitexco được UBND Quận 1 chấp thuận đầu tư Khu tứ giác Bến Thành, và UBND TP.HCM giao đất có thu tiền sử dụng đất, để phát triển dự án, với tên đầy đủ là Khu văn phòng – thương mại – dịch vụ – căn hộ ở – khách sạn 6 sao và văn phòng khách sạn Khu tứ giác Bến Thành. Dự án có tên thương mại là The One Ho Chi Minh City hay The One HCMC.
Theo công bố, dự án được thiết kế gồm 2 tháp nối với nhau bằng khối đế. Trong đó, tháp A cao 55 tầng, có chức năng văn phòng, khách sạn với khối văn phòng ở các tầng dưới và khoảng 250 phòng khách sạn trên cao. Tháp B cao 48 tầng có 214 căn hộ. Tổng mức đầu tư là 500 triệu USD, tương đương hơn 14.000 tỷ đồng.
Bitexco dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2017, nhưng đến 2018 dự án chỉ mới hoàn tất 6 tầng hầm. Chia sẻ với báo chí, chủ đầu tư cho biết tiến độ chậm do đền bù giải tỏa và tái định cư kéo dài.
Cũng năm 2018, Bitexco thành lập Công ty TNHH Saigon Glory, bất ngờ công bố chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Saigon Glory làm chủ đầu tư. The One HCMC cũng đổi tên thành The Spirit of Saigon.
Tháng 10/2019, Khu tứ giác Bến Thành khởi động trở lại, có sự tham gia của một pháp nhân mới, là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Uniprime trong vai trò nhà phát triển. Tổng giám đốc Saigon Glory lúc này là ông Trịnh Quang Công.
Năm 2020, thông qua 10 đợt phát hành cổ phiếu, Saigon Glory đã huy động 10.000 tỷ đồng trái phiếu để tăng quy mô vốn hoạt động, đầu tư dự án, cơ cấu nợ. Tài sản bảo đảm gồm 100% vốn góp tại Saigon Glory thuộc sở hữu của Bitexco và tài sản hình thành trong tương lai của tháp A dự án được thế chấp tại Techcombank, để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán.
Hai tài sản bảo đảm này được định giá hơn 18.550 tỷ đồng.
Cũng trong năm này, dự án được tái khởi động và các tầng tháp dần hoàn thiện với nguồn vốn được bổ sung từ 10 lô trái phiếu.
Tháng 1/2021, Công ty TNHH Saigon Glory thay đổi đăng ký doanh nghiệp, Tập đoàn Bitexco không còn đứng tên là công ty mẹ.
3 người được uỷ quyền đại diện cho 100% phần vốn của Saigon Glory là ông Vũ Quang Bảo với 2.100 tỷ đồng, tương đương 30%, ông Trịnh Quang Công 2.800 tỷ đồng, tương đương 40% vốn và ông Nguyễn Anh Đức 2.100 tỷ đồng, khoảng 30% vốn.
Ông Vũ Quang Bảo khi đó là Tổng giám đốc Tập đoàn Bitexco, giữ ghế Chủ tịch HĐTV của Saigon Spirit, ông Trịnh Quang Công giữ vị trí Tổng giám đốc, ông Nguyễn Anh Đức là thành viên HĐTV Saigon Spirit.
Cũng đầu năm 2021, The Spirit of Saigon đổi tên thành One Central HCM và đơn vị phát triển là Masterise Homes. Dự án lại được khởi động nhưng chỉ xây thêm vài tầng rồi Masterise Homes lại âm thầm rút lui.
Tháng 8/2022, cái tên xuất hiện thế chỗ Masterise Homes là Viva Land, và dự án lại đổi tên thành The Pearl. Nhưng rồi công trình lại trùm mền, vẫn là khối bê tông nằm phơi nắng tắm mưa ngay trung tâm đắc địa nhất của TP.HCM.
Ông Trịnh Quang Công bị bắt tạm giam (từ ngày 14/11/2022) để phục vụ điều tra vụ án bà Trương Mỹ Lan và nằm trong danh sách những bị can đưa ra xét xử trong giai đoạn 2.
Ngày 18/9 vừa qua, Bitexco bất ngờ ra thông báo chuyển nhượng 100% vốn góp tại Saigon Glory cho Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội.
Tập đoàn Bitexco cam kết tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi của 10 lô trái phiếu Saigon Glory từ 1/9/2024 đến hết kỳ ngày 12/6/2025 và số tiền lãi của kỳ 18/6/2025.
Còn Công ty Phương Đông Hà Nội sẽ tiếp tục thanh toán số tiền gốc của kỳ thanh toán ngày 18/6/2025, cũng như nghĩa vụ trả gốc và lãi của 10 lô trái phiếu sau mốc thời gian trên.
Hiện nay dự án đang dừng thi công.
Bitexco đã nhận 15.712 tỷ đồng từ bà Trương Mỹ Lan
Tại tòa, đại diện Bitexco thừa nhận đã nhận 15.712 tỷ đồng từ bà Trương Mỹ Lan để thực hiện dự án khu tứ giác Bến Thành, số tiền này hiện đã hòa nhập vào hoạt động của tập đoàn.
Cụ thể, Bitexco dùng 15.712 tỷ đồng này để trực tiếp thanh toán hoặc chuyển cho công ty con trong tập đoàn, để hoàn trả các khoản vay ngân hàng, công nợ với nhà thầu, nhà cung cấp, đơn vị tư vấn của Bitexco và các công ty con, đã phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng Khu tứ giác Bến Thành và một số dự án khác.
Ngoài ra, tập đoàn còn chi cho hoạt động, chi đầu tư, chi phí quản lý chung của tập đoàn và các công ty con.
Công ty Bitexco có ý kiến không thu hồi số tiền 15.712 tỷ đồng vì đây là quan hệ dân sự giữa các bên. Bitexco nhận số tiền nêu trên một cách hợp pháp và hoàn toàn không biết số tiền này có liên quan đến vụ án hay không.
Bà Lan cũng cho rằng giao dịch giữa bà và Bitexco là giao dịch dân sự, không liên quan tới vụ án hình sự, đề nghị tạo điều kiện cho các bên thực hiện dự án.