Mới đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06 kéo dài thời gian thực hiện chính sách tại Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết ngày 31/12 năm nay. Khách hàng, doanh nghiệp, chuyên gia đang xuất hiện nhiều luồng ý kiến vừa kỳ vọng, vừa nêu ra thực tế.
Chị Nguyễn Tú Quỳnh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể, đầu năm 2022, tổng thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 50 triệu đồng/tháng. Khi đó, vợ chồng chị mua một căn chung cư 68m2 ở phía Tây Hà Nội với giá 3 tỷ đồng. Không đủ tiền, chị đi vay ngân hàng một nửa.
Tuy nhiên, sau đó, công việc bị ảnh hưởng khiến thu nhập vợ chồng chị còn khoảng 35 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, tiền gốc, lãi ngân hàng 18 triệu đồng. Do đó, theo chị, việc được cơ cấu nợ hoặc giữ nguyên nhóm nợ sẽ rất tốt cho những người vay mua nhà.
“Số tiền trả ngân hàng chiếm quá nửa thu nhập nên thi thoảng có tháng vẫn phải lấy tiền tiết kiệm hoặc “vay nóng” người nhà để thanh toán trước. Nếu bây giờ được cơ cấu nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ sẽ giúp gia đình tôi bớt áp lực tài chính hơn. Thực tế hiện nay kinh tế khó khăn nên tài chính trong gia đình tôi cũng không dư dả như trước”, chị nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Đức Toản – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản EZ Việt Nam (EZ Property) – cho rằng, việc giãn, tái cơ cấu nợ cho khách đủ điều kiện là hành động thiết thực để gỡ khó cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện tại, đặc biệt là bất động sản.
Hiện nay, không ít dự án đã được rót tiền đầu tư nhưng vẫn không đủ điều kiện giao dịch do doanh nghiệp tắc dòng tiền vì vướng mắc về thủ tục. Hơn nữa, hiện nay thanh khoản bất động sản cũng rất kém, chỉ có giao dịch ở một số khu vực trung tâm nhưng không đáng kể.
“Thực tế doanh nghiệp bất động sản sử dụng đòn bẩy lớn nên những tài sản có thể sử dụng đi vay họ cũng đã thế chấp hết. Nếu bây giờ không được giãn nợ, cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ có thể sau này sẽ rất khó để tiếp tục vay và phát triển doanh nghiệp”, ông Toản chia sẻ.
Cùng với việc Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản có thể sẽ có hiệu lực sớm từ 1/8 sắp tới, ông Toản cho rằng, ngắn hạn sẽ chỉ có tác động về mặt tâm lý, còn chưa giúp thị trường sôi động ngay trở lại. Vấn đề cốt lõi khi các luật có hiệu lực sẽ phải giải quyết được bài toán pháp lý đang vướng mắc. Bên cạnh đó, để thị trường hồi phục nhanh sẽ phải phụ thuộc vào kinh tế chung.
Chia sẻ về hướng đi của doanh nghiệp trong thời gian tới, ông Toản nói các doanh nghiệp có thể giống nhau với việc ưu tiên phương án tài chính an toàn, giảm nợ xuống mức tối thiểu, đảo nợ với các khoản nợ có lãi suất cao để được hưởng lãi suất thấp hơn.
Ở góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc gia hạn Thông tư 02 cho phép cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm là rất tốt đối với người mua nhà và doanh nghiệp bất động sản có sử dụng đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, người vay và doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch rõ ràng, cụ thể trong lộ trình cơ cấu, trả nợ cho ngân hàng.
“Như vậy, các doanh nghiệp và người vay có thêm thời gian để bố trí nguồn lực tài chính. Điều này giúp giảm gánh nặng giúp có thêm tiềm lực để phục hồi, phát triển trong giai đoạn thị trường vẫn còn những khó khăn. Bên cạnh đó, 3 luật liên quan bất động sản có thể có hiệu lực sớm sẽ giúp thị trường thúc đẩy quá trình phục hồi trong năm 2024”, ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, cơ cấu nguồn hàng bất động sản rất hạn chế, đặc biệt thiếu các căn hộ vừa túi tiền. Nếu các luật có hiệu lực sớm hơn sẽ giúp nhiều dự án được tháo gỡ pháp lý, từ đó nguồn hàng trên thị trường dồi dào hơn. Từ đó, nhà đầu tư, người dân sẽ sẵn sàng xuống tiền mua giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính để trả nợ.