Theo đó, mỗi ngân hàng cam kết cho vay phát triển nhà ở xã hội là 5.000 tỷ đồng. Trước đó, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank đã cam kết cho vay 120.000 tỷ đồng.
Như vậy, đến nay số tiền cam kết cho vay phát triển nhà ở xã hội của 6 ngân hàng là 130.000 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ Xây dựng, số tiền các ngân hàng đã giải ngân đến thời điểm hiện tại khoảng 1.234 tỷ đồng (khoảng 1% quy mô gói tín dụng), bao gồm cho chủ đầu tư dự án vay 1.202 tỷ đồng, cho người mua nhà vay 32 tỷ đồng.
Cụ thể, Agribank đã giải ngân 531 tỷ đồng, Vietinbank giải ngân 306 tỷ đồng, BIDV giải ngân 134 tỷ đồng, Vietcombank giải ngân 2 tỷ đồng, TPBank giải ngân 170 tỷ đồng.
Tính đến hết 6 tháng đầu năm có 32 tỉnh, thành phố trên cả nước gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử của tỉnh về danh mục 73 dự án nhà ở xã hội vay vốn từ gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng, trong đó TP Hà Nội 6 dự án, TP.HCM 6 dự án, Bắc Ninh 6 dự án, Bình Định 5 dự án…
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm cả nước có khoảng 253.000 giao dịch bất động sản thành công, tăng 10,2% so với 6 tháng cuối năm 2023, giao dịch chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền. Giá nhà ở riêng lẻ, đất nền cũng tăng mạnh, nguyên nhân một phần do giá chung cư tăng và nguồn cung khan hiếm.
Giá chào bán căn hộ chung cư bình quân toàn thị trường trong 6 tháng theo Bộ Xây dựng có xu hướng tăng từ cuối năm 2023 đến nay, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Về nguồn cung bất động sản, Bộ Xây dựng đánh giá đã có sự chuyển biến tích cực. Nhiều dự án cũ tái khởi động, dự án mới mở bán, lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm, chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách có lợi cho người mua.
Bộ Xây dựng cho biết nguồn cung nhà ở thương mại 6 tháng đầu năm nay có 18 dự án hoàn thành, 23 dự án cấp phép mới và 984 dự án đang triển khai.