Dự báo bắt đầu từ năm nay, rào cản pháp lý ngăn trở sự phục hồi và phát triển của thị trường sẽ được tháo gỡ cũng như doanh nghiệp bất động sản có thể tái trở lại đường đua, duy trì phong độ, uy tín và niềm tin với người mua nhà.
Lỗi hẹn vì pháp lý
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) khẳng định, vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản là vướng mắc pháp lý – chiếm đến 70% khó khăn của doanh nghiệp – trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh. Nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất. Điều này gián tiếp dẫn đến thị trường bất động sản trầm lắng, người mua nhà mất niềm tin và giao dịch bất động sản hạ nhiệt thời gian qua.
Vướng mắc pháp lý cũng đang là nguyên nhân chính khiến nhiều dự án bất động sản phải ngừng triển khai xây dựng, ảnh hưởng đến quyền lợi người mua nhà và uy tín của chủ đầu tư cũng chịu ảnh hưởng.
Cụ thể như Novaland, 2 năm qua dù được tích cực gỡ vướng nhưng nhiều dự án bất động sản trải dài từ TPHCM đến Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa được giải quyết dứt điểm.
Chẳng hạn, dự án Aqua City Đồng Nai, dù chính quyền tạo điều kiện tiếp tục triển khai xây dựng, bán hàng với một số hạng mục nhưng chủ đầu vẫn đang phải chờ UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Xây dựng và các sở, ban ngành hoàn tất thủ tục thẩm định, phê duyệt Đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP. Biên Hòa để tháo gỡ các vướng mắc chính của dự án.
Cùng với nỗ lực đó, chủ đầu tư dự án cũng đã nghiêm túc chấp hành việc thực hiện xử lý vi phạm hành chính liên quan đến trật tự xây dựng theo quy định pháp luật đối với một số vị trí công trình xây dựng chưa phù hợp trong giai đoạn xảy ra đại dịch COVID-19 vừa qua.
Để khắc phục các vi phạm, tuân thủ các quy định hiện hành, theo định hướng quy hoạch mới, chủ đầu tư cũng đã tiến hành việc cải tạo hạ tầng, lập phương án và tổ chức tháo dỡ một số công trình tạm, công trình chưa đúng trật tự xây dựng, tiến đến việc đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan.
Tương tự, dự án NovaWorld Phan Thiet Bình Thuận còn đang vướng ở khâu xác định giá đất của cơ quan chức năng. Dù tỉnh Bình Thuận đã nhiều lần kiến nghị, xem xét hướng dẫn tháo gỡ nhưng việc xác định giá đất đến nay vẫn chưa được hoàn tất, phê duyệt làm tiến độ phát triển dự án bị chững lại.
Trong lúc chờ hướng gỡ vướng từ các cơ quan ban ngành, nhiều doanh nghiệp cũng đã áp dụng mọi biện pháp để đảm bảo quyền lợi với khách hàng trong ngắn hạn hoặc làm việc với các ngân hàng để cơ cấu các khoản vay cho khách hàng, hỗ trợ linh hoạt chuyển đổi sản phẩm, tăng cường ưu đãi…
Ông Dennis Ng Teck Yow – Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết, dù Tập đoàn đã nỗ lực áp dụng các chính sách hỗ trợ trong khả năng của mình nhưng mấu chốt vẫn là cần đẩy nhanh giải quyết các khó khăn, sớm tháo gỡ pháp lý để doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các thủ tục liên quan, tái triển khai và sớm hoàn thành dự án đưa vào hoạt động, đảm bảo các cam kết với khách hàng.
“Những vướng mắc cũng dẫn đến tình trạng một số khách hàng bức xúc, khiếu kiện và biểu tình kéo dài. Đây là điều không ai mong muốn”, ông Dennis Ng Teck Yow nói.
Kỳ vọng ở 3 luật
Hiện nay, tuy thị trường bất động sản đã qua thời điểm khó khăn nhất nhưng để doanh nghiệp tiếp tục vượt qua khó khăn cần sự tiếp sức của các cơ quan chức năng trong việc khơi thông rào cản pháp lý, sự đồng hành của các bên liên quan như khách hàng, nhà thầu, đối tác… để thị trường bất động sản đủ thời gian thẩm thấu, các doanh nghiệp thì cần thời gian để phục hồi sau giai đoạn tái cấu trúc, cũng như 2 năm khó khăn của thị trường.
Câu chuyện pháp lý bất động sản kéo dài suốt những năm qua được kỳ vọng sẽ được giải toả trong năm 2024, khi ba bộ luật lớn liên quan đến bất động sản là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở chính thức được thông qua.
Đặc biệt, Luật Đất đai hiện nay cũng đang trình Chính phủ đề nghị Quốc hội chấp thuận cho phép có hiệu lực sớm vào ngày 1/7/2024. Việc có hiệu lực sớm của Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 sẽ góp phần giúp hành lang pháp lý cho bất động sản được khơi thông, đẩy nhanh gỡ vướng cho những khó khăn pháp lý còn tồn đọng trên thị trường trước đó.
Ngoài ra, chính sách điều hành tiền tệ của ngân hàng nhà nước đang phát huy hiệu quả tích cực. Trong 4 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản ghi nhận mức lãi suất cho vay mua nhà thấp chưa từng có trong nhiều năm qua, kích thích người dân “xuống tiền” mua nhà.
Điều này giúp nhiều chủ đầu tư đã rục rịch giới thiệu dự án, như Gamuda Land đã khởi công 6 tòa tháp cao 37 – 39 tầng, cung cấp gần 2.000 căn hộ (tại phường An Phú, TP. Thủ Đức). Dự án Mizuki của Nam Long tại huyện Bình Chánh cũng sẽ khởi công giai đoạn tiếp theo.
Còn tại khu Đông Sài Gòn, Masterise Homes cũng sẽ khởi công phân khu cao tầng nằm trong Khu đô thị The Global City. Chủ đầu tư Phú Mỹ Hưng vừa tổ chức lễ ra mắt dự án Phú Mỹ Hưng The Aurora tại khu Nam Sài Gòn…
Novaland tiếp tục tập trung hoàn thiện dự án nhằm bàn giao theo từng giai đoạn cho khách hàng tại dự án Aqua City, dự án NovaWorld Phan Thiet tiếp tục bàn giao nhà cho cư dân song song với việc hoàn thiện và đưa vào vận hành chuỗi tiện ích mới. Từ năm 2023 đến nay dự án này cũng đã đón hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, lưu trú và trải nghiệm, góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương trong các lĩnh vực.
Theo Bộ Xây dựng, hiện Hà Nội và TPHCM gỡ vướng cho 35 – 40% dự án bất động sản gặp vướng mắc, còn hàng trăm dự án tại 2 thành phố này và các địa phương vẫn chờ được tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, Hà Nội đứng đầu với 246 dự án, TPHCM 143 dự án, Cần Thơ 34 dự án, Bình Định 16 dự án, Hải Phòng 4 dự án. Bộ Xây dựng vừa đề nghị các địa phương đẩy nhanh việc gỡ vướng, và báo cáo tổ công tác của Thủ tướng trước ngày 30/6.