Phát biểu tại Hội thảo “Hải Phòng – Điểm sáng phát triển nhà ở xã hội ” do Báo Tiền Phong tổ chức sáng 16/8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá, việc báo Tiền Phong tổ chức hội thảo trong thời điểm này là hết sức ý nghĩa, bởi các bộ luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Các tổ chức tín dụng, có hiệu lực, là căn cứ rất quan trọng cho thúc đẩy các dự án nhà ở, thị trường bất động sản, trong đó có nhà ở xã hội.
Ông Sinh nhấn mạnh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đều rất quan tâm vấn đề xây dựng nhà ở xã hội. Chính phủ đã ban hành Đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030. Đây là những căn cứ rất quan trọng để các địa phương, doanh nghiệp vào cuộc giải quyết chỗ ở cho người dân, đặc biệt là công nhân, lao động, người thu nhập thấp.
Thứ trưởng Sinh cũng nêu, việc phát triển nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc khó khăn, đặc biệt liên quan đến thể chế, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các địa phương, các chủ đầu tư. Hệ thống pháp luật thời gian qua đã có nhiều điểm mới, cải thiện rõ rệt.
Cụ thể, đã thể chế hoá được chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà ở, nhất là nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp. Thứ hai, các bộ luật đã khắc phục được một số mâu thuẫn chồng chéo, không đồng bộ. Thứ ba là tăng cường phân cấp phân quyền trong thực hiện các dự án. Thứ tư là cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện, triển khai các dự án. Thứ năm là các quy định rõ ràng hơn, đặc biệt là có nhiều nội dung đổi mới về trình tự đầu tư dự án, tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện phê duyệt, các doanh nghiệp thực hiện dự án.
Cùng với đó, một số chính sách về phát triển nhà ở xã hội được quan tâm, chỉnh lý cho đảm bảo rõ ràng. Trong đó, đã giao cho UBND các địa phương căn cứ nhu cầu sẽ dành quỹ đất đảm bảo đủ cho việc phát triển nhà ở xã hội. Linh hoạt trong việc dành quỹ đất trong các dự án thương mại để phát triển nhà ở xã hội, có thể hoán đổi, trả tiền. Luật Nhà ở xác định rõ các giai đoạn đầu tư, trình tự đầu tư nhà ở xã hội. Quy định lựa chọn chủ đầu tư rất rõ ràng, thống nhất, đồng bộ với luật Đấu thầu, mở ra nhiều chính sách theo hướng vừa phê duyệt chủ trương, công nhận chủ đầu tư .
Chính sách về ưu đãi chủ đầu tư, tạo điều kiện hấp dẫn hơn, ưu đãi rõ hơn. Việc đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, không phải làm thủ tục xác định giá đất, giúp rút ngắn thủ tục 6 tháng – 1 năm. Điều kiện với người mua nhà ở xã hội đã đơn giản hơn. Giá bán, giá cho thuê của nhà ở xã hội đã được tính theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí xây dựng của doanh nghiệp…
“Những điểm mới này sẽ được phổ biến cho các doanh nghiệp để họ nắm được, tiếp tục triển khai các dự án một cách nhanh nhất”, ông Sinh nói.
Thứ trưởng Sinh nhấn mạnh, thời gian qua, nhiều địa phương đã tích cực vào cuộc, thúc đẩy các dự án bất động sản, trong đó có các dự án nhà ở xã hội. Hải Phòng là một điểm sáng, được đánh giá rất cao về công tác chỉ đạo, lãnh đạo, thực hiện. “Theo Đề án của Chính phủ, Hải Phòng sẽ thực hiện 33.400 căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Thành phố báo cáo, đến năm 2025 sẽ đạt được mức 15.400 căn thì 2030 có thể sẽ vượt mục tiêu trên”, ông Sinh nói.
Đánh giá “điểm sáng” của Hải Phòng trong việc phát triển nhà ở xã hội thời gian qua, ông Sinh cho rằng, thành phố đã rất quan tâm dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; quan tâm vị trí rất đẹp trong nội đô thành phố. Các vị trí đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Thành phố cũng rất tích cực cải cách thủ tục hành chính , các sở, ngành tích cực tham gia vào thực hiện Đề án. Nhiều dự án được phê duyệt, thẩm định, triển khai rất nhanh đảm bảo thủ tục pháp lý. Thành phố cũng lựa chọn được các chủ đầu tư triển khai dự án có năng lực, triển khai nhanh. Chất lượng một số dự án rất cao, ngang hoặc thậm chí cao hơn nhà ở thương mại.
Thứ trưởng Sinh mong muốn, thành phố tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, kỳ vọng thành phố sẽ sớm hoàn thành mục tiêu việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn, tiếp tục thúc đẩy tiến độ các dự án, công khai, minh bạch trong mua bán nhà ở xã hội…
Thời gian qua, kết quả phát triển nhà ở xã hội bước đầu có kết quả đáng tích cực. Đến nay, cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 561.816 căn. Trong đó, hoàn thành 79 dự án với quy mô 40.679 căn. Số lượng dự án đã cấp phép, khởi công xây dựng là 128 dự án với quy mô 111.688 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 412 dự án với quy mô 409.449 căn.