Thứ sáu, Tháng Một 10, 2025

Đề xuất gần 4.000 tỷ đồng kết nối đường Hồ Chí Minh qua miền Tây

-

Để nối thông đường Hồ Chí Minh qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông vận tải dự kiến cần gần 4.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước đầu tư kết nối đoạn Kiên Giang – Bạc Liêu. Nếu được phê duyệt, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng vào năm 2025.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận (qua Kiên Giang và Bạc Liêu). Đoạn kết nối này có tổng chiều dài gần 52km, trong đó đoạn qua tỉnh Kiên Giang dài hơn 45km, đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài hơn 6,6 km.

Bộ GTVT kiến nghị, giai đoạn đầu sẽ xây dựng tuyến đường quy mô cấp III đồng bằng, với 2 làn xe, bề rộng mặt đường 11m. Giai đoạn hoàn thiện sẽ mở rộng lên 4 làn xe theo đúng quy hoạch. Tổng mức đầu tư dự án hơn 3.904 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước.

Nếu được Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư sớm, Bộ GTVT dự kiến bước chuẩn bị dự án xong trong năm nay và bắt tay ngay giải phóng mặt bằng; dự kiến khởi công vào cuối năm 2023, hoàn thành vào năm 2025.

Khi đoạn tuyến trên đưa vào sử dụng sẽ kết nối Quốc lộ 61 với các trung tâm Rạch Giá, Vị Thanh và Quốc lộ 63 đi Vĩnh Thuận, Bạc Liêu và Cà Mau; tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đề xuất gần 4.000 tỷ đồng kết nối đường Hồ Chí Minh qua miền Tây - Ảnh 1.

Cần thêm gần 4.000 tỷ đồng để nối thông đường Hồ Chí Minh qua miền Tây. Ảnh minh họa.

Giữa năm 2022, Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa nối từ Bình Phước tới Long An. Dự án tái khởi động với tổng mức đầu tư khoảng 2.293 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, cũng mục tiêu hoàn thành vào năm 2025. Dự kiến, trong quý 1/2023, Bộ GTVT sẽ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, làm cơ sở triển khai tiếp.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa dài khoảng 84km, qua địa phận các tỉnh: Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An. Dự án được khởi công từ năm 2009, từ vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, năm 2011, do khủng hoảng kinh tế, khó khăn về nguồn vốn, Chính phủ quyết định tạm dừng thi công dự án này. Sau đó, Bộ GTVT chuyển hướng nghiên cứu sang thực hiện đoạn đường trên theo hình thức BOT. Tuy nhiên, quá trình triển khai do vướng nhiều cơ chế nên tạm dừng tới nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories