Thứ sáu, Tháng Một 10, 2025

Hồ sơ dự án 39-39B Bến Vân Đồn khiến dàn cựu sếp ngành cao su bị khởi tố

-

Dự án 39-39B Bến Vân Đồn từng thuộc sở hữu nhà nước, sau đó chuyển nhượng cổ phần sang Quốc Cường Gia Lai. Doanh nghiệp này đã bán vốn, cuối cùng vào tay Novaland.

Ông Lê Quang Thung – cựu Tổng giám đốc, quyền Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam – và nhiều cựu lãnh đạo khác trong ngành cao su vừa bị khởi tố do bị cáo buộc liên quan sai phạm tại khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, TPHCM.

Khu đất 39-39B Bến Vân Đồn quận 4 được chủ đầu tư Novaland (mã chứng khoán: NVL) triển khai xây dựng dự án với tên thương mại The Tresor. Theo thông tin từ chủ đầu tư, dự án có diện tích 6.201m2 với 33 tầng, gồm các loại hình căn hộ, thương mại văn phòng, dịch vụ.

Dự án được giới thiệu sở hữu vị trí đắc địa đối diện trụ sở Ngân hàng Nhà nước và Trung tâm tài chính quận 1, với các công trình kiến trúc biểu trưng cho TPHCM như Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), tòa nhà Bitexco…

Dự án 39-39B Bến Vân Đồn do Novaland triển khai (Ảnh: NVL).

Liên quan đến dự án này, vào năm 2021, Thanh tra Chính phủ có Kết luận số 757, nêu rõ khu đất có nguồn gốc là đất thuộc sở hữu Nhà nước, được quản lý bởi 2 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Năm 2009, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa cùng góp vốn thành lập Công ty TNHH Phú Việt Tín có địa chỉ trụ sở chính 39-39B Bến Vân Đồn. Trong đó, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai góp 72% vốn và Công ty Cao su Bà Rịa góp 28% vốn.

Năm 2010, UBND TPHCM có quyết định thu hồi và giao khu đất trên cho công ty Phú Việt Tín đầu tư, kinh doanh theo quy hoạch.

Đến năm 2014, toàn bộ phần vốn góp của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa trong Công ty Phú Việt Tín đã bán cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai.

Ngày 10/9/2014, Công ty Quốc Cường Gia Lai đã nhận chuyển nhượng phần vốn góp từ Tổng Công ty cao su Đồng Nai và Công ty cao su Bà Rịa trong Công ty Phú Việt Tín với giá xấp xỉ 6 tỷ đồng, tương đương 99,5% vốn.

Sau đó, Quốc Cường Gia Lai đã chuyển nhượng 0,5% vốn điều lệ Phú Việt Tín cho bà Lại Thị Hoàng Yến với giá 3 tỷ đồng; chuyển nhượng 40% vốn cho Công ty cổ phần Bất động sản Thịnh Vượng với giá trên 340 tỷ đồng, 54% vốn cho Công ty cổ phần Biệt thự Thành phố với giá hơn 459 tỷ đồng.

Số tiền Quốc Cường Gia Lai thu về sau giao dịch chuyển nhượng vốn là gần 800 tỷ đồng, trong khi giá mua khoảng 6 tỷ đồng.

Năm 2017, Công ty TNHH Phú Việt Tín đã ký kết hợp đồng sáp nhập vào Công ty TNHH đầu tư và phát triển bất động sản Phúc Nguyên thành Công ty TNHH đầu tư và phát triển bất động sản Nova Phúc Nguyên (công ty con của Novaland).

Đến nay, dự án đã được đầu tư xây dựng hoàn thành và bán hết cho người sử dụng. Tuy nhiên, do dự án đang bị thanh tra, kiểm tra nên các hộ dân mua căn hộ tại dự án vẫn chưa được các cơ quan Nhà nước ở TPHCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất (sổ hồng). 

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra Công ty Phú Việt Tín không lập dự án đầu tư là vi phạm Khoản 1, Điều 6, Nghị định số 12 ngày 12/2/2009 của Chính phủ.

Việc UBND TPHCM có quyết định thu hồi, giao đất và chỉ định Công ty Phú Việt Tín (pháp nhân mới) làm nhà đầu tư thực hiện dự án số 39-39B Bến Vân Đồn mà không thông qua đấu giá là không đúng với Luật Đất đai 2003 và Thông tư số 03/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TPHCM chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân có liên quan. Trường hợp vượt thẩm quyền hoặc có dấu hiệu hình sự thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.

Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra, có biện pháp để xử lý. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự gây thiệt hại tài sản nhà nước thì chuyển hồ sơ và tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định, không để thất thoát tài sản nhà nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Related Stories