Ngày 13/5/2024 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 79-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, thành phố Đà Nẵng đã đạt được những kết quả quan trọng, củng cố và bước đầu phát huy vai trò là trung tâm kinh tế – xã hội lớn của vùng và cả nước.
Tuy nhiên, còn một số hạn chế, yếu kém như: Phát triển kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế, dư địa phát triển; các chỉ tiêu kinh tế đạt khá thấp so với Nghị quyết đề ra, trong đó có nhiều chỉ tiêu khó có khả năng hoàn thành; chất lượng tăng trưởng chưa cao; quy mô kinh tế vẫn còn nhỏ, chưa tạo được lợi thế để bứt phá…
Trong khi đó, Nghị quyết 119/2020/QH14 đang chủ yếu tập trung vào thí điểm mô hình chính quyền đô thị, còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá, có tính động lực, lan tỏa. Do đó, cần có thêm các cơ chế, chính sách đặc thù mới để hỗ trợ thúc đẩy phát triển thành phố Đà Nẵng nhằm đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị.
Đà Nẵng cần tiếp tục “khác biệt” để phát triển
Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 sẽ áp dụng luôn mô hình chính quyền đô thị, như vậy bố trí bộ máy khác biệt, giảm rất nhiều cán bộ, quy trình phân cấp xử lý công việc rất khác và nếu thành công sau này sẽ áp dụng với các đô thị khác.
Còn đối với các cơ chế chính sách phát triển kinh tế – xã hội cũng mở rộng nhiều chính sách hơn. Trong đó, có những chính sách đã áp dụng với các tỉnh khác được giữ nguyên và một số chính sách được điều chỉnh để phù hợp với mô hình của thành phố Đà Nẵng. Trong số những chính sách mới, có chính sách thí điểm khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.
Theo Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, các nội dung của chính sách trong Dự thảo Nghị quyết lần này sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 119/2019/QH14 đang thực hiện có hiệu quả; bỏ các nội dung, chính sách không còn phù hợp khi chính thức thực hiện tổ chức chính quyền đô thị; Đề xuất 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể. Trong đó, có 5 chính sách đề xuất mới theo thực tế của thành phố, gồm:
Chính sách 1: Thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Chính sách 2: Thành phố được thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với dự án trung tâm logistics.
Chính sách 3: Phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo
Chính sách 4: Đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.Chính sách 5: Tổ chức sự nghiệp công lập được giao quản lý và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đã được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công thì được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và được cho thuê lại đất.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, bên cạnh các lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tư duy đột phá của người lãnh đạo, sự năng động sáng tạo của hệ thống chính trị với khao khát biến tiềm năng thành hiện thực, tăng tốc phát triển kinh tế địa phương liên tiếp trong nhiều nhiệm kỳ… là yếu tố quyết định đối với thành công của Đà Nẵng trong thời gian qua.
“Trong giai đoạn mới, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị, Đà Nẵng tiếp tục mở rộng không gian đô thị về phía Hòa Vang và xây dựng đô thị nén khu vực trung tâm. Nhiều dự án trọng điểm về hạ tầng kinh tế, xã hội tiếp tục được đầu tư, xây dựng tạo động lực cho tăng trưởng. Thành phố đang cần những cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội để huy động nguồn lực đầu tư, phát triển những lĩnh vực kinh tế mới, thực hiện thành công mục tiêu, định hướng theo Nghị quyết số 43”, TS Nguyễn Đình Cung cho biết.
Ông Cung nhấn mạnh:“Đà Nẵng cần tiếp tục “khác biệt” để phát triển”. Theo quy hoạch tới năm 2030 với hàng trăm dự án, số vốn cần huy động để thực hiện quy hoạch là 800 ngàn tỷ đồng (32 tỷ đô), bằng 40% GRDP thành phố, trong khi thời gian còn lại khoảng 7 năm. Do đó, cần cơ chế, chính sách đặc thù mới tạo động lực để có thể thu hút nguồn lực đầu tư lớn như thế.
Khuyến khích trong đầu tư phát triển hệ sinh thái du lịch và đô thị hóa
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, Đà Nẵng cần mở rộng không gian phát triển, đầu tư nâng cấp sân bay ít nhất 25 triệu hành khách/năm hoàn thành trước năm 2028; đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu và nâng cấp mở rộng toàn tuyến quốc lộ 14B, 14G kết nối Đà Nẵng với Bắc Tây Nguyên, Lào, Myanmar…
Để huy động nguồn lực đầu tư, Đà Nẵng cần tăng thêm vốn đầu tư từ nhà nước, đảm bảo phải chiếm từ 25% tổng vốn đầu tư xã hội như qui hoạch. Giải pháp là Trung ương tạm thời không điều tiết thu ngân sách thành phố về Trung ương cho đến năm 2030, đồng thời bố trí đủ vốn thực hiện dự án quốc lộ 14B và 14G cho toàn tuyến kết nối Đà Nẵng với Bắc Tây Nguyên.
TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho biết, để thực hiện 3 trụ cột chính phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 43, cần có hàng loạt cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, vượt trội cho Đà Nẵng đến năm 2030. Cụ thể là áp dụng thủ tục đầu tư rút gọn (chỉ định thầu và chấp thuận chủ trương đầu tư/chấp thuận đầu tư đồng thời với giao đất, cho thuê đất) đối với dự án quy mô lớn của doanh nghiệp (nhà đầu tư) lớn, có uy tín ở trong nước hoặc quốc tế trong công nghiệp công nghệ cao, logistics, tổ hợp thương mại và văn phòng, trung tâm mua sắm, xử lý chất thải rắn và nước thải, bảo vệ môi trường…
Bên cạnh đó, cần cho phép Đà Nẵng hỗ trợ giá trị quyền sử dụng đất thực hiện các dự án PPP trong các dự án phát triển đô thị hiện đại, xanh và thông minh hai bên bờ sông Hàn, dự án đầu tư xây dựng các trung tâm mua sắm, các trung tâm thương mại đa chức năng, các dự án xử lý chất thải… Cho phép Đà Nẵng mở thêm cơ sở casino cho khách du lịch (số lượng, quy mô các cơ sở casino do Hội đồng nhân dân thành phố quyết định)…
TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển, cần có chính sách, cơ chế ưu đãi đặc thù vượt trội về sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập. Ngoài ra, cần đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, năng lực đào tạo nhân lực chất lượng cao. Áp dụng thuế thu nhập cá nhân 10% đối với chuyên gia, nhà nghiên cứu, người lao động có trình độ cao… làm việc tại doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao, trong các trường đại học, viện nghiên cứu…
“Bên cạnh quyết tâm chính trị, đổi mới tư duy và sáng tạo của cả hệ thống chính trị, nhất là những người lãnh đạo, cần sớm có một nghị quyết mới của Quốc hội về cơ chế đặc thù, vượt trội cho Đà Nẵng. Điều này góp phần quyết định vào việc thực hiện thành công Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và quy hoạch phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050“, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.