Liên quan đến việc TP.HCM đang dự kiến điều chỉnh bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024, trong đó giá đưa ra cao hơn từ 5 đến 30 lần so với bảng giá cũ, thậm chí có nơi lên đến 810 triệu/m2, Chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá đất cao “ngất ngưỡng” tại một số khu “đất vàng” của TP.HCM không thuộc về người dân mà dành cho các doanh nghiệp lớn, các nhà kinh doanh bất động sản để có thể mua hoặc thuê bất động sản ở những khu vực đó.
“Tôi cho rằng, quy định giá không được lên cao. Nhưng mà trong tương lai, giá thị trường nhà đất còn có thể cao hơn giá thực tế của nó”, TS Hiếu nhận định.
Vị chuyên gia diễn giải, có 2 loại giá là giá chính thức và giá thực tế. Trong dó, giá thực tế được xem là giá thỏa thuận, đàm phán giữa người mua và người bán với nhau, mà giá thực tế còn có thể vượt xa giá chính thức. Như vậy, nếu giá chính thức là hơn 800 triệu đồng/m2, thì có thể trong một vài trường hợp sau này, giá thực tế còn cao gấp 2-3 lần so với giá chính thức.
Qua đó, TS Hiếu cho rằng rất cần một cơ chế điều chỉnh phù hợp. Các khu được gọi là “đất vàng” thì tốt nhất nên cho đấu thầu. Bởi khi tổ chức đầu thầu công khai, giá sẽ tiến sát hơn với thị trường. Và nếu đã là giá thị trường thì sẽ được thị trường chấp nhận và công bằng hơn.
Bảng giá đất ở một số địa phương dự kiến sẽ tăng
Ngày 27/7 vừa qua, Sở Tài nguyên & Môi trường TP.HCM có thông tin về dự thảo bảng giá đất mới trên địa bàn TP.HCM mà cơ quan này đang lấy ý kiến theo luật Đất đai năm 2024. Theo số liệu tổng hợp của Sở, giá đất dự kiến tại dự thảo bảng giá đất điều chỉnh có tăng so với bảng giá đất tại Quyết định số 02/2020 của UBND TP.HCM.
Cụ thể, theo dự thảo, giá đất ở đô thị cao nhất ở TP.HCM tại các tuyến đường trung tâm như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi… thuộc Quận 1 sẽ là 810 triệu đồng/m2 (tăng gấp 5 lần so với hiện hành).
Đối với một số tuyến đường lân cận khu vực trên có giá 528 triệu đồng đối với đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ Công trường Mê Linh đến cầu Nguyễn Tất Thành), tăng 422,4 triệu/m2 đồng so với bảng giá đất hiện hành.
Tương tự, tại khu vực đường Phạm Hồng Thái có giá 418 triệu đồng/m2, tức tăng 334,4 triệu đồng/m2.
Đối với khu vực tại TP. Thủ Đức, bảng giá đất hiện hành chỉ có giá từ 05 đến 7 triệu đồng/m2, một vài vị trí là 20 triệu đồng/m2 thì giờ giá đất tại khu vực này cũng đã được đề xuất tăng. Có thể kể đến như đường Trần Não, tại Dự thảo quyết định, khu vực này dự kiến có giá 149 triệu đồng/m2 (giá hiện hành là từ 13 đến 22 triệu đồng/m2).
Đối với đất nằm ở phường Thảo Điền cũng sẽ tăng, tiêu biểu như Đường 13, khu phố 4 Phường An Phú có giá từ 5,2 triệu đồng/m2 sẽ tăng lên 91 triệu đồng/m2 (tăng 17,5 lần).
Tương tự, nhiều tuyến đường tại Quận 7, 4, 12 dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng giá gấp 10 đến 15 lần so với bảng giá đất hiện hành.
Nhận định của Sở Tài nguyên & Môi trường TP.HCM, việc điều chỉnh bảng giá đất mới đang đưa giá đất theo quy định từng bước tiệm cận với mặt bằng chung của thị trường, góp phần tích cực cho sự công bằng, minh bạch với các nhóm sử dụng đất và tránh thất thu cho ngân sách nhà nước, sử dụng đất vì thế sẽ tiết kiệm hơn. Sắp tới Chính phủ sẽ có những điều chỉnh các mức thu cho phù hợp với tình hình thực tiễn, hạn chế việc tăng đột biến các khoản thu.
Ngay sau đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã văn bản góp ý, kiến nghị thành phố chưa ban hành dự thảo bảng giá đất thời điểm này. Bởi bảng giá đất do UBND thành phố ban hành theo Luật Đất đai 2013 có thể tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Thay vào đó, thành phố nên xây dựng, hoàn thiện dự thảo bảng giá đất lần đầu để áp dụng từ ngày 1/1/2026.