Theo số liệu công bố từ Ngân hàng Nhà nước, 9 tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng bất động sản tiêu dùng chỉ tăng 4,6%, trong khi dư nợ bất động sản kinh doanh tăng trưởng lên tới 16% so với hồi đầu năm.
Bàn luận về mức chênh lệch này, TS Vũ Đính Ánh khẳng định tín dụng cho bất động sản hiện nay rất lớn. Trong con số gần 15 triệu tỷ tổng tín dụng nền kinh tế, thì bất động sản chiếm hơn 3 triệu tỷ, chiếm tỷ trọng là 21% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Ngoài ra, trong hệ thống 30 Ngân hàng TMCP cho vay bất động sản, có những ngân hàng dành mức độ tập trung cực lớn cho bất động sản.
Mặc dù, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản tiêu dùng thấp hơn so với tín dụng cho kinh doanh nhưng tổng tín dụng cho bất động sản hiện nay rất cao. Đây còn là hệ quả khi tốc độ tăng giá của bất động sản cao hơn rất nhiều so với các lĩnh vực phi bất động sản, vị chuyên gia kinh tế phân tích.
Cũng theo TS Vũ Đính Ánh, tín dụng cho bất động sản gồm 2 bộ phận: thứ nhất là dành cho các nhà phát triển, kinh doanh bất động sản; thứ hai là các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ – đây chính là đối tượng được gộp vào tín dụng tiêu dùng như sửa nhà, mua sắm nhà mới…
Một điểm đáng lưu ý, đó là không phải toàn bộ tín dụng tiêu dùng là dành cho tiêu dùng. TS Vũ Đính Ánh dẫn chứng: “Tôi đã từng vay mua bất động sản nhưng trong hợp đồng lại phải ghi là mua tranh đá quý. Như vậy, có kiểu cho vay mua bất động sản nhưng trên thực tế lại không được cho vào thông kê”.
Còn theo quan điểm của ông Phan Lê Thành Long, Chuyên gia tài chính, sáng lập kênh Tài chính & Kinh doanh, nhìn vào tổng thể, tín dụng bất động sản thời gian qua chủ yếu là tập trung dành cho các nhà kinh doanh, phát triển bất động sản.
“Chúng ta có thể thấy, năm 2024 hàng loạt các dự án mới được tung ra nhiều hơn so với năm 2023. Sau những khoản vay được tập trung vào các chủ đầu tư để phát triển dự án thì mới đến vay mua bất động sản cho cá nhân rục rịch trở lại, chủ yếu là tiền cọc, một số thì đi mua đất nền…”, ông Thành Long nêu.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho biết, giá bất động sản tại Hà Nội hiện tại đang ở mức quá cao, không còn thực sự hấp dẫn với nhà đầu tư. Còn với người mua nhà để ở thực, họ lại có tâm lý chờ đợi. Chính những yếu tố này phản ánh cho sự giảm mức tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong thời gian qua.