Thông tin này được Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nêu trong bản tin mới đây. Đơn vị này dẫn số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy từ năm 2015 đến cuối 2023, hơn 3.000 người nước ngoài đã mua nhà tại Việt Nam. Trong đó, Hà Nội chiếm hơn một nửa, với 1.765 căn giai đoạn 2018 – 2022.
Sang nửa đầu năm 2024, VARS cho biết người nước ngoài đã mua hơn 1.000 căn hộ ở Hà Nội. Tiếp đó đến quý cuối năm, Sở Xây dựng cho phép thêm 7 dự án chung cư với khoảng 3.000 căn hộ được bán cho người nước ngoài, chủ yếu là phân khúc cao cấp trong các khu đô thị. “Các dự án này cũng nhanh chóng tiêu thụ trên 60% quỹ căn được phép bán cho người nước ngoài, với giá cao hơn 10% so với người mua Việt Nam”, VARS cho hay.
Như vậy, khoảng hơn 2.800 căn hộ ở Thủ đô được bán cho người nước ngoài trong năm ngoái. Hội môi giới nhận định xu hướng người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam, nhất là ở Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển. “Đây là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản, góp phần hấp thụ một lượng tương đối lớn các sản phẩm cao cấp, hạng sang còn “tồn kho” trên thị trường”, VARS đánh giá.
Dự báo này được VARS đưa ra trong bối cảnh Luật Nhà ở 2023 (hiệu lực từ 1/8/2024) tạo điều kiện thuận lợi hơn để người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Theo đó, luật quy định rõ hơn về số người nước ngoài được sở hữu nhà tại một dự án. Với một dự án chung cư, họ không được sở hữu quá 30% trên tổng lượng căn hộ, còn với nhà liền thổ tối đa 250 căn trong một đơn vị hành chính cấp phường.
Cùng với đó, xu hướng lao động nước ngoài tới Việt Nam làm việc ngày càng tăng, nhất là các vị trí như quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật làm việc tại miền Bắc. Số này thường có nhu cầu về nhà ở tại Thủ đô.
Dù vậy, đơn vị này lưu ý các chủ đầu tư cần nghiên cứu thị trường để xác định nhóm khách hàng mục tiêu đến từ quốc gia nào, khả năng chi trả ra sao để triển khai dự án phù hợp nhu cầu.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần bố trí riêng bộ phận thông thạo ngoại ngữ, am hiểu quy định pháp luật để hỗ trợ cho nhóm khách hàng ngoại.
Trong báo cáo năm ngoái, hãng tư vấn nghiên cứu thị trường CBRE Việt Nam cũng cho biết, từ khi chính sách sở hữu nhà cho người nước ngoài được nới lỏng năm 2015, khách hàng từ Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan và Hàn Quốc trở thành những nhóm nhà đầu tư lớn. Nhóm này chiếm khoảng 75% trên thị trường nhà ở Việt Nam nhờ khoảng cách địa lý gần nhau.
Làn sóng này cũng được thúc đẩy nhờ sự hiện diện của các chủ đầu tư ngoại tại Việt Nam. Thị trường nhà ở Việt Nam cũng được đánh giá có tiềm năng tăng giá mạnh so với quê hương của họ – những nơi đã trải qua giai đoạn điều chỉnh giá tương tự trước đây.
Tuy nhiên, CBRE cho rằng mục đích đầu tư của phần lớn người nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam là để chờ tăng giá kiếm lời. Số ít sẽ cho thuê căn hộ của mình như một giải pháp tạm thời trong khi chờ mức giá bán tăng. “Không nhiều người nước ngoài, chủ yếu là những người có kế hoạch sinh sống lâu dài ở Việt Nam, mua nhà với mục đích sử dụng cho bản thân”, CBRE cho hay.
Anh Tú