Tập đoàn Vingroup vừa đề xuất với Sở Tài chính TP HCM việc đầu tư tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao nối quận 7 với huyện Cần Giờ.
Theo đó, tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng muốn áp dụng hình thức đầu tư dự án hạ tầng này theo hình thức PPP (hợp tác công tư) và đề xuất áp dụng hình thức hợp đồng BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh). Vingroup sẽ chịu trách nhiệm thu xếp toàn bộ vốn (dự kiến 4 tỷ USD) để thực hiện đầu tư, xây dựng, quản lý và vận hành trong suốt thời hạn của dự án trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.
Đại diện Vingroup cho rằng mô hình hợp tác công tư (PPP) có nhiều ưu thế vượt trội hơn so với phương thức đầu tư công truyền thống. Đầu tư PPP sẽ tận dụng được nguồn vốn từ khu vực tư nhân, bao gồm vốn trong nước và quốc tế. Các nhà đầu tư tư nhân có thể huy động vốn thông qua vay ngân hàng, phát hành trái phiếu hoặc vốn cổ phần, làm tăng tính linh hoạt trong tài trợ dự án.
- Một góc huyện Cần Giờ, TP HCM nơi sẽ triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao. Ảnh: Thanh Tùng
Về công nghệ, nhà đầu tư tư nhân thường mang theo công nghệ tiên tiến và hiện đại để đảm bảo hiệu quả và lợi nhuận của dự án. Điều này đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng hoặc y tế, nơi công nghệ đóng vai trò then chốt. Sự tham gia của tư nhân có thể tối ưu hóa chi phí nhờ kinh nghiệm và hiệu quả trong quản lý. Đối với khả năng thực hiện dự án, sự tham gia của tư nhân giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhờ động lực lợi nhuận và khả năng quản lý hiệu quả. Hợp đồng PPP cũng ràng buộc trách nhiệm cụ thể, hạn chế tình trạng chậm trễ hoặc đội vốn như thường thấy trong đầu tư công.
Ngược lại, với phương thức đầu tư công, toàn bộ chi phí từ nghiên cứu khả thi đến lập kế hoạch đều do Nhà nước chịu trách nhiệm, dễ tạo gánh nặng cho ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực công còn hạn chế.
Vingroup cũng cho biết tập đoàn đã có kinh nghiệm triển khai nhiều dự án lớn với tổng mức đầu tư trên 100.000 tỷ đồng, đồng thời luôn nằm trong nhóm các doanh nghiệp có tổng tài sản, doanh thu và mức đóng góp ngân sách Nhà nước cao nhất. Tập đoàn bày tỏ mong muốn tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước và riêng TP HCM, đặc biệt trong việc hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị.
Theo tập đoàn này, tuyến đường sắt quận 7 – Cần Giờ sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, với chiều dài khoảng 48,5 km. Tốc độ thiết kế tối đa là 250 km/h, với 2 ga chính dự kiến đặt tại Cần Giờ và quận 7. Tuyến hạ tầng này sau khi hoàn thành không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm thành phố đến Cần Giờ mà còn tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển du lịch, đầu tư và nâng cao chất lượng sống của người dân. Do đó, Vingroup mong muốn được chính quyền TP HCM xem xét và sớm chấp thuận để triển khai dự án.
Trước đó, tại hội nghị công bố Quy hoạch TP HCM hồi tháng 1 năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã đề nghị Tập đoàn Vingroup xây dựng hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm thành phố đến Cần Giờ. Ông cũng gợi ý thành phố nên giao nhiều việc cho các doanh nghiệp tư nhân lớn để tạo thêm các động lực, nguồn lực mới thúc đẩy phát triển.
Theo mục tiêu của TP HCM, từ nay đến năm 2035, thành phố sẽ hoàn thành 7 tuyến dài 335 km (gồm nối dài metro Bến Thành – Suối Tiên và từ số 2 đến số 7). Giai đoạn 10 năm sau đó, các tuyến số 8, 9 và 10 cũng được xây dựng hoàn thành. Tổng mức đầu tư 10 tuyến metro này ước tính khoảng 67 tỷ USD.
Phương Uyên