Đề xuất thí điểm gói 8.010 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội
Mới đây, Bộ Xây dựng có văn bản kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ về nguồn vốn tín dụng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội. Ngày 30/5, Bộ Xây dựng đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Tập đoàn Vingroup, Techcombank để làm rõ các kiến nghị, đề xuất về nguồn vốn tín dụng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.
Trước đó, ngày 8/5, Tập đoàn Vingroup và Techcombank cùng ký văn bản gửi tới Bộ Xây dựng đề xuất chương trình tín dụng dành cho người mua nhà ở xã hội. Gói vay này được áp dụng cho các cá nhân đủ điều kiện mua nhà ở xã hội theo danh sách do các chủ đầu tư xác minh và cung cấp. Họ được cho vay tối đa đến 100% giá trị hợp đồng mua bán nhà ở xã hội.
Hai “ông lớn” này đề xuất thời hạn cho vay tối đa 30 năm và lãi suất cho vay theo mức lãi suất cho vay để mua nhà ở xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội theo từng thời kỳ. Hiện mức lãi suất là 4,8%/năm và cố định 5 năm đầu tiên. Tài sản đảm bảo cho khoản vay chính là dự án nhà ở xã hội.
Để thực hiện được chương trình cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội này, hai đơn vị này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng thông thường để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng kinh doanh nhằm tạo ra thu nhập bù đắp phần chênh lệch lãi suất đã bỏ ra để hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội.
Về quy mô, gói tín dụng này được đề xuất thí điểm là 8.010 tỷ đồng. Để tạo ra nguồn tài chính này, phía ngân hàng đề xuất xem xét cấp bổ sung hạn mức tín dụng trong 5 năm kể từ khi bắt đầu thí điểm, ngoài hạn mức được Ngân hàng Nhà nước thông báo đầu năm tài chính tới các tổ chức tín dụng.
Hai doanh nghiệp này cũng đề xuất Bộ Xây dựng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có thể tham gia triển khai hiệu quả chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Kiến nghị hạ lãi suất cho vay thấp hơn 3-5%
Bộ Xây dựng cho rằng đề xuất thí điểm gói vay ưu đãi mới cho người vay mua nhà ở xã hội của Vingroup và Techcombank có nhiều điểm tương đồng nguồn vốn 120.000 tỷ đồng.
Theo đó, đề xuất này có đối tượng là cá nhân mua nhà ở xã hội. Trong khi, gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ thêm cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở công nhân và cá nhân thuê mua nhà ở xã hội.
Tuy nhiên mức lãi vay đối với chương trình đề xuất thí điểm nói trên là 100% giá trị hợp đồng mua bán nhà ở xã hội. Còn đối với gói 120.000 tỷ đồng không quy định mà do các ngân hàng chủ động thực hiện theo pháp luật về tín dụng.
Lãi suất gói tín dụng được 2 doanh nghiệp đề xuất tới Bộ Xây dựng là 4,8%/năm, thấp hơn so với nguồn vốn 120.000 tỷ đồng. Hiện nay, lãi suất đối với người mua nhà là 7,5%/năm.
Thời gian vay đối với gói tín dụng đề xuất lên đến 30 năm và ưu đãi 5 năm đầu. Đối với gói 120.000 tỷ đồng cũng áp dụng lãi suất vay ưu đãi với người mua nhà là 5 năm kể từ ngày giải ngân. Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu kéo dài thêm cho vay ưu đãi.
Trên cơ sở nghiên cứu, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại ngoài nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tham gia chương trình cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó là tiếp tục xem xét tăng thời hạn cho vay ưu đãi, hạ mức lãi suất cho vay thấp hơn 3-5% so với cho vay thương mại thông thường để công nhân khu công nghiệp, người thu nhập thấp có cơ hội, động lực để mua nhà.
Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, quyết định giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng tham gia hỗ trợ nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, bảo đảm an toàn cho tổ chức tín dụng và hệ thống các tổ chức tín dụng theo quy định pháp luật.
Đối với 2 doanh nghiệp đưa ra đề xuất, Bộ Xây dựng kiến nghị nghiên cứu, bổ sung đối tượng chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án cho công nhân, dự án cải tạo xây dựng chung cư được vay từ chương trình này.